Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011


Hành trình
lên đỉnh Langbiang – P3



Uống xong ly cà phê, lại lên đường…


Thành phố Đà Lạt chẳng còn xa là mấy. Vượt qua 10km đèo Dran với những khúc cua không tưởng, những rừng thông bạt ngàn, già cỗi lẩn khuất trong mây; Vượt qua địa danh Cầu Đất, Trại Mát…; Vượt qua những nương chè xanh rì bất tận thoang thoảng hương thơm, chúng tôi đã đến thành phố hoa thơ mộng. Cũng may là trời đẹp, không mưa. Xe Trùm Huấn chạy vòng quanh bờ hồ Xuân Hương ngắm thiên hạ dạo mát. Ghé chợ Đà Lạt mua sắm vài thứ cần dùng. Quanh quẩn mà trời đã tối hẳn. Thành phố Đà Lạt về đêm thật tuyệt.


Kế hoạch tối nay cả đoàn phải có mặt tại Lạc Dương để sáng mai leo núi Langbian sớm. Ở Lạc Dương, Công Nguyên có quen một người do tình cờ. Anh tên là K’ Breo Cil, người dân tộc Kơ Ho. Lần ấy, Anh K’ Breo đưa cả nhà qua Đăk Lăk, không may xe ôtô chết máy trên QL.27 vắng vẻ, chẳng biết cậy nhờ ai. Công Nguyên ra tay nghĩa hiệp, chỉ vài thao tác chuyên nghiệp chiếc xe ngoan ngoãn nổ giòn. Vậy là quen nhau!






Công Nguyên báo tin cả đoàn sẽ nghỉ lại nhà anh đêm nay. Anh mừng lắm, ra tận đầu làng đón. Nhà anh cạnh nhà thờ Langbian nên cũng dễ nhớ. Những người trong gia đình anh vui vẻ thân thiết như người trong nhà. Anh kể chuyện về tập tục và đời sống người dân Kơ Ho. Người dân Kơ Ho hiền hòa, trung thực, mến khách, họ có bùa ngải để tự bảo vệ mình, bảo vệ hoa màu. Có đoàn khách du lịch thấy trái ngon trong vườn vắng chủ, thuận tay hái trộm, nên bị nhiễm bùa, cứ đi quanh quẩn mãi trong vườn không sao thoát ra được! Chiều tối, chủ nhà về mới giải bùa cho họ. Anh nói: “Loại bùa đó rất linh thiêng, người Kơ Ho chỉ truyền lại cho các trưởng bon, trưởng tộc. Tôi là tộc trưởng người Cil nên có loại bùa này và quý vị đã bị nhiễm bùa ấy. Nếu muốn được giải bùa vào sáng hôm sau thì xin mời quý vị phải tuyệt đối tuân thủ những yêu cầu của tôi”.


Thế là tiêu đời! Bác Điệp nói nhỏ với cha Phương: “Cha có phép nào cứu cả bọn ra khỏi đây được không?”.


Cha Phương bảo: “Hãy cầu nguyện và vâng theo gia chủ”.


Gia chủ dẫn chúng tôi sang một gian nhà khá rộng, giữa nhà là một đống củi lớn dường như họ chuẩn bị đốt lửa trại, phía trước là dàn cồng chiêng, cờ quạt giống như người Êđê trong lễ hội đâm trâu. Gia chủ lâm râm khấn vái rồi cầm chiếc tù và bằng sừng trâu thổi một hơi thật dài như thể kêu gọi âm binh. Tiếng tù và rúc trong đêm nghe đến rợn người. Chủ nhà nói: “Lẽ ra chúng ta sẽ nhảy múa suốt đêm theo tục lệ của tộc người Cil, nhưng thấy cha Phương đi đường xa có vẻ thấm mệt nên đặc xá cho quý vị”.


Bác Điệp thầm thì: “Tạ ơn Chúa”.


Chúng tôi lại được dẫn sang một phòng khác, ấm cúng hơn, sàn nhà trải chiếu sạch sẽ. Anh K’ Breo mời chúng tôi ngồi xung quanh chóe rượu cần, rồi nói: “Rượu cần là tinh hoa đất trời, do bàn tay con người tạo ra. Người Cil dù nghèo, dù đói lúc nào cũng có rượu cần trong nhà.” Anh mở miệng chóe lấy búi lá tranh bỏ ra ngoài, cắm cây cần vào, tay phải nắm lấy cần, tay trái đặt lên miệng chóe lâm râm khấn vái. Anh múc nước đổ tràn miệng chóe rồi nói: “Lẽ ra khách quý được mời uống đầu tiên, nhưng để chứng tỏ trong rượu không có thuốc độc nên tôi sẽ uống trước, tiếp theo tôi sẽ đổ nước mời cha Phương, hết ca nước cha Phương sẽ đổ nước cho người khác uống, cứ thế lần lượt”.




Mọi người vừa uống rượu cần vừa chuyện trò rôm rả, quên mất chuyện bùa ngải. Giờ thì không thấy bác Điệp cầu nguyện nữa. Người nhà anh K’ Breo đưa thịt nướng lên. Công Nguyên mang bánh mì, thịt nguội mua lúc chiều bày ra mâm, cả bầu rượu nữa. Công Nguyên rót rượu mời chủ nhà. Để chứng tỏ rượu trong bầu rất ngon, Công Nguyên uống trước một cút, ngửa mặt lên trời khà một tiếng. Đã ơi là đã! Cứ thế lần lượt, rượu cần hòa lẫn rượu… bầu tạo nên men say ngất ngây. Mấy cô cháu gái chủ nhà rất dễ thương, mến khách, nhiệt tình lại múa hát rất hay. Cả chủ lẫn khách đều chuếnh choáng:


Ta vin cần uống núi rừng thiêng


Em múc trăng vàng về tan đáy rượu


Giọt mắt hòa vào men chuếnh choáng


Tôi chìm trong hương tóc trăng em...



Thật là một đêm tuyệt diệu. Giá như không có cha Phương thì tôi đã hát:


Anh ở bên này chóe rượu,


Vít cần trúc cong cong thành một nửa bầu trời


Thành một nửa trái tim mơ hồ gọi


Một nửa còn bên ấy


Bạn tình ơi!


Bên này trái tim, bên ấy trái tim


Vòng ngực nổi cồn trên miệng chóe


Rượu chảy về hai bên, men say còn ở giữa.


Lửa phừng phừng bứt tượt áo nuk-kiar...


Ơi chân trời lửa bên em sao mà xa ngái thế


Đường gấp khúc trái tim sâu thăm thẳm đáy men nồng.




Có lẽ vừa mới chợp mắt thì chuông nhà thờ đổ. Tiếng chuông ngân nga quyện theo gió lẫn trong tiếng thông reo vi vu đánh thức mọi người dậy. Ngoài trời se lạnh đủ để quyến rũ tôi đắm mình trong sương sớm bước sang nhà thờ. Cái se lạnh cũng vừa đủ để các cô gái khoác thêm chiếc khăn choàng điệu đà mà duyên dáng làm ngẩn ngơ, mê mẩn khách phương xa.




Chương trình leo núi bị trì hoãn mãi đến gần 8 giờ. Có lẽ do bùa ngải tối qua còn vương vấn!? Anh K’ Breo “thanh minh thanh nga” mãi rằng chuyện bùa ngải chỉ là đùa thôi. Kể cả những chiếc vòng cổ, vòng tay… mấy chị phụ nữ tặng cha Phương tối qua chỉ là do tình cảm thương mến thôi, không phải như những chiếc vòng “bắt chồng” trong truyền thuyết đâu. Anh tâm sự: “Chính tôi và người trong gia đình tôi mới là người bị cha Phương và các anh bỏ bùa. Bởi vì từ lúc gặp các anh, chúng tôi cứ quyến luyến, lẩn quẩn mãi không muốn chia tay”.


Công bằng mà nói, chính tôi mới là người dính bùa. Vì từ đêm qua đầu óc sao cứ lơ mơ vướng vất. Mãi khi về đến Banmêthuột, kiểm tra lại hành lý mới biết mình chỉ vác mỗi cái ba lô không về nhà, còn cái ruột thì để lại Langbian! Chẳng là gì, chỉ là mấy bộ quần áo ướt thôi. Nhưng cũng làm phiền anh K’ Breo phải đóng gói gửi trả theo đường bưu điện!


Bởi đầu óc cứ lơ mơ vướng vất nên lúc lên núi, xuống núi thế nào cũng chẳng nhớ. Đến khi xe về Đak Lak ghé thăm hồ Lạc Thiện mới sực tỉnh. Langbian ơi! Tôi đã rời xa em thực rồi sao?...


Chào em nhé Langbiang thánh thiện


Đà Lạt ơi, mây trắng đến nao lòng


Ta khẽ hỏi giữa đại ngàn lộng gió


Có bao giờ em đẹp thế này chăng?




***



Đọc xong bài Hành trình lên đỉnh Langbian, mấy anh bạn ở Banmêthuột thắc mắc: “Đỉnh Langbian có gì hay đâu? Sao không thấy kể ra gì hết dzậy???”.


Vâng:


LangBian - câu chuyện tình núi mẹ (*)


Cứ xanh tươi như một cuộc tình



Người Lạch, người Cil... bao đời vẫn thế


Gieo hạt mầm xanh trên vùng đất yên bình!



Cô sơn nữ bên chóe rượu cần


Em giấu gì trong nụ cười lúng liếng


Hình như tình yêu vừa chợt đến?


Đêm qua. Trai - gái hội hè!...



Đỉnh Langbian còn đó lời thề


Hẹn gặp em sang năm mùa lúa mới


Rượu cần lên men anh về mở hội


Đêm đại ngàn lên đỉnh tận cung mây…





(*) Núi LangBian còn gọi là núi Mẹ





Xin mời xem hình TẠI ĐÂY



Binhbalme

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét