Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Thời của mì tôm

Thời của mì tôm
VDB
Mì tôm (hay còn gọi mì ăn liền, mì cua, mì gói) là món mì khô chiên trước với dầu cọ, chỉ cần tưới nước sôi lên khoảng dăm ba phút là có thể ăn ngay.
Mì tôm bắt nguồn từ các loại mì ramen Nhật. Andō Momofuku, người thành lập Công ty Thực phẩm Nissin, được coi là “cha đẻ” của loại thực phẩm tiện dụng này.
Mì tôm du nhập vào Việt Nam từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Để đánh lừa thị giác của khách hàng, người ta vẽ hình con tôm thiệt to đặt lên tô mì bốc khói nghi ngút. Hãng sản xuất khác chơi trội hơn, khuyến mãi tới 2 con tôm. Có hãng đặt nguyên con ghẹ to đùng, đỏ au, trên mặt tô mì gọi là mì cua. Dường như cua không hợp với mì nên mì cua dần dần biến mất khỏi thị trường. Từ đó người ta quen gọi là mì tôm. Tôm hay cua chỉ là chiêu thức, chứ thực ra mì nào cũng giống nhau, chẳng có tôm, cua, thịt cá chi cả. Giới y học còn khuyến cáo, ăn nhiều sẽ có hại cho sức khỏe.
Ấy vậy mà thời bao cấp, mì tôm được liệt vào hàng quý hiếm, hàng xa xỉ phẩm, được phân phối theo tiêu chuẩn bồi dưỡng cho cán bộ công nhân viên nhà nước. Đến thời mở cửa, mì tôm trở thành một loại thức ăn phổ biến, thậm chí còn được xem là nét văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Sang thế kỷ 21, mì tôm có mặt ở khắp mọi nơi. Mì tôm góp phần nuôi sống sinh viên nghèo. Mì tôm cứu đói, cứu trợ đồng bào lũ lụt.
Đối với cánh truyền thông BMT, mì tôm còn có cả một giai thoại: Hôm thứ 7 Tuần Thánh, đang ngồi ăn sáng ở Giang Sơn, ĐGM hỏi thăm:
- “Sao, tối qua có ăn mì tôm không?”
- “Dạ, sáng nay con mới vào!”
Nhiều người thắc mắc: “mì tôm là sao?”. Chuyện là thế này:
Thứ 6 Tuần Thánh năm 2014, cả nhóm truyền thông rủ nhau vào Giang Sơn tham dự Nghi thức suy niệm Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu tại Đồi Thánh Giá. Tối hôm đó, Vinh Sơn mời cả nhóm về nhà (ở Kim Châu) nhưng chẳng có gì đãi khách, hắn chạy ra quán đầu ngõ, cao giọng:
- “Bán cho chục gói mì thịt xào!”
Chủ quán trợn mắt:
- “Hôm nay Thứ 6 Tuần Thánh, ăn chay, sao lại mua mì thịt xào?”
- “Vậy, mì chay cũng được.”
- “Mì chay hết từ chiều rồi, thông cảm nhé!”
Vinh Sơn chạy quanh khắp làng mới mua được mấy gói mì chay chính hiệu lá bồ đề. Vinh Sơn chế biến mì tôm ngon tuyệt, có cả mấy lát bầu luộc trang trí bên trên cho thêm phần thi vị. Tiến Địa hỏi:
- “Bầu ở đâu ngon thế?!”
- “Bầu hàng xóm leo lên bờ giậu nhà em. Em thẻo phần thò qua bên đất nhà mình. Tội vạ em chịu.”
Sau dạo ấy, câu chuyện mấy gói mì chay với nửa quả bầu vượt rào lan truyền khắp Giáo phận. Nhờ thế, cánh truyền thông đi đến đâu cũng được chăm sóc chu đáo. Cứ tưởng đã đoạn tuyệt hẳn với mì tôm, nào ngờ…
Hôm lễ vọng phục sinh mới đây, cánh truyền thông “tác nghiệp” xong, Vinh Sơn lại mời cả nhóm về nhà (ở BMT) mừng lễ. Lúc này đã là nửa đêm, gọi cửa mãi chẳng thấy động tĩnh gì. Hóa ra, lúc chiều, vợ Sơn gọi điện báo: “tối nay em về nhà mừng lễ đấy nhé!”. Ý vợ Sơn là sẽ về nhà ở Kim Châu mừng lễ. Sơn lại nghe nhầm: “tối nay mời anh em về nhà mừng lễ đấy nhé!” (nhà ở BMT). Giá chỉ có một nhà thì đâu bị nhầm tai hại thế này. May là Sơn có chìa khóa riêng, mở cửa mời anh em vào nhà. Nhà chẳng có gì ăn, ngoài mấy gói mì tôm, chẳng có quả bầu vượt rào cho thêm phần thi vị. Ấy vậy mà qua tay Vinh Sơn chế biến, mấy gói mì tôm đã trở thành bàn tiệc mừng lễ độc đáo.
Mọi người nâng cốc mừng Chúa Phục Sinh, mừng anh em được sum vầy bên nhau, mừng sự phát triển của đất nước. Mừng vì đã qua rồi cái thời đói khổ, cơm độn toàn củ mì khô hôi xì cũng chẳng có mà ăn. Bởi, bây giờ là thời đại của mì tôm, quơ đâu cũng trúng mì tôm. Mì tôm muôn năm!!!
VDB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét