Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

Ca đoàn Lê Bảo Tịnh hành hương Tắc Sậy, Bãi Dâu - Hè 2018

Ca đoàn Lê Bảo Tịnh hành hương Tắc Sậy, Bãi Dâu - Hè 2018

 
Mùa hè là thời điểm thích hợp để đi du lịch, nghỉ dưỡng cho mọi người. Ca đoàn Lê Bảo Tịnh cũng thường tổ chức hành hương vào mỗi dịp hè về. Khi những chùm hoa phượng đỏ rực khắp sân trường, khi tiếng ve kêu rộn rã nơi phố thị, cũng là lúc các thành viên ca đoàn chuẩn bị tìm về một địa điểm linh thánh để được sống những giây phút thanh thỏa tâm hồn bên nhau.
Năm nay, Ca đoàn Lê Bảo Tịnh chọn Trung Tâm Hành Hương Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp và Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Bãi Dâu. Sau đó, tham dự Thánh lễ Tạ ơn Kim Khánh Linh Mục cha giáo Giuse Bùi Trung Phong tại nhà thờ giáo xứ Bảo Thị, Xuân Lộc.

Vẫn trên chiếc xe 45 chỗ ngồi quen thuộc, biển số 47B-000.54, đoàn hành hương gồm 40 thành viên, khởi hành từ nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột vào lúc 4 giờ sáng ngày 23.7.2018. Đặc biệt, có Cha phó Vinh Sơn Phạm Hữu Mạnh đồng hành.

Dong duổi suốt một ngày dài. Cà phê sáng, điểm tâm tại quán Dano Coffee sang trọng huyện Đak Song. Ăn trưa ở Bình Dương, quán cơm bình dân Phương Thảo. Đến Nhà thờ Tắc Sậy vào lúc 7g30 tối. Sau khi nhận phòng, tranh thủ ăn tối ở quán cơm trước nhà thờ, phía bên kia đường. Tắm rửa, nghỉ ngơi đôi chút, mọi người đi cầu nguyện tại nơi an nghỉ của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp.

Sáng hôm sau, thức dậy sớm, tham dự thánh lễ vào lúc 5 giờ sáng. Điểm tâm xong, đoàn hành hương lên xe đi đến Nhà thờ Khúc Tréo, nơi chôn cất Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp khi tìm thấy thi hài ngài dưới ao nhà ông giáo Sự. Ở đây, đoàn hành hương được Cha sở nhà thờ Khúc Tréo giới thiệu về tiểu sử Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp, như sau:

Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp sinh ngày 01-01-1897; rửa tội ngày 02-02-1897 tại Họ Đạo Cồn Phước, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang; cha Ngài là Ông Micae Trương Văn Đặng và Ngài là Bà Lucia Lê Thị Thanh.
Năm 1904, lên 7 tuổi, mẹ mất, theo cha lên Băctambang – Campuchia.
Năm 1909, vào Tiểu Chủng viện Cù Lao Giêng. Mãn tiểu chủng viện, Ngài vào tu học tại Đại Chủng viện Nam Vang, Campuchia vì lúc đó các họ đạo khu vực đồng bằng sông Cửu Long trực thuộc giáo phận Phnom Penh, Campuchia.
Năm 1924, Ngài thụ phong Linh mục tại Nam Vang.
Năm 1924-1927, Ngài làm Cha phó Họ đạo Hố Trư, một họ đạo Việt Nam tại tỉnh Kandal, Campuchia.
Năm 1927-1929, Ngài làm giáo sư Tiểu Chủng viện Cù Lao Giêng.
Tháng 3-1930, Ngài nhận chức Cha Sở Họ đạo Tắc Sậy. Ngài đã giúp đỡ thành lập nhiều họ đạo trong vùng như: Bà Đốc, Cam Bô, An Hải, Chủ Chí, Khúc Tréo, Rạch Rắn.
Năm 1945-1946, chiến tranh loạn lạc, bà con giáo dân di tản, Cha Bề Trên Địa Phận là Cha Trần Minh Ký và cả người Pháp khuyên Ngài lánh mặt, chờ khi nào yên ổn lại trở về Họ Đạo, nhưng Ngài trả lời: “Tôi sống giữa đoàn chiên, chết cũng giữa đoàn chiên, tôi không đi đâu hết”.
Ngày 12-3-1946, Ngài bị bắt cùng với trên 70 giáo dân họ đạo Tắc Sậy, bị lùa đi và giam chung với bổn đạo tại lẫm lúa của Ông giáo Sự ở Cây Gừa. Do tranh chấp giữa các giáo phái, và vì bênh vực quyền lợi giáo dân, Ngài đã chết thay cho những người bị bắt chung. Thi hài với vết chém sau ót ngang mang tai, bị vứt xuống ao nhà Ông giáo Sự, đã được giáo dân họ đạo Khúc Tréo vớt lên trong tư thế trần truồng như Chúa Giêsu trên thập giá và được đưa về chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo (họ lẻ của Ngài).
Đến năm 1969, hài cốt Ngài được di dời về nhà thờ Tắc Sậy là nhiệm sở Ngài thi hành chức vụ mục tử suốt 16 năm.

Năm 1977, cha Antôn Vũ Xuân Vinh, Cha sở Tắc Sậy, hay chạy đến cầu nguyện với vị tiền nhiệm của mình là Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp, tại phần mộ trong khuôn viên nhà thờ, để xin Ngài cầu thay nguyện giúp cho cha và họ đạo trong thời buổi khó khăn, và Ngài đã được toại nguyện nhiều. Từ đó cha Antôn cổ võ nhiều người gần xa đến khấn xin cùng Cha Phanxicô. Bao nhiêu ơn lành đã được Thiên Chúa ban xuống cho khách hành hương mỗi ngày một tăng, nhờ lời chuyển cầu của Cha Phanxicô. Mộ phần Cha Phanxicô là nơi mà bao khách thập phương đến khấn xin, kể cả người lương người giáo, trong nước cũng như hải ngoại. Cha Phanxicô trở thành vị cầu bầu thần thế trong tâm hồn nhiều người. Do đó khách thập phương tuôn đến mỗi ngày một đông đảo. Ngày lễ giỗ Cha Phanxicô trở thành ngày hẹn của bao tâm hồn và khách hành hương mỗi năm đều gia tăng. Ơn lành qua lời bầu cử của Cha Phanxicô đã làm cho nhiều người được ơn Đức Tin, được trở thành con cái Thiên Chúa.

Chính vì vậy, ngày 21.01.1997, Đức Giám Mục Giáo Phận Cần Thơ đã chính thức đặt nhà thờ Tắc Sậy thành TRUNG TÂM TRUYỀN GIÁO PHANXICÔ của Giáo Phận Cần Thơ.

Kể từ đó, Trung Tâm Truyền Giáo mỗi ngày một phát triển về mọi mặt hầu đáp ứng nhu cầu hành hương của bà con xa gần, quốc nội cũng như hải ngoại. Trung tâm đã xây dựng các cơ sở vật chất và nhất là ngôi Thánh Đường dâng kính Cha Phanxicô đang được hoàn thành để đáp ứng nhu cầu tâm linh của khách hành hương mỗi năm mỗi gia tăng. Tiếng lành đồn xa, Trung Tâm hành hương Cha Phanxico Trương Bửu Diệp, đã vang khắp năm châu.



 
Tạm biệt Khúc Tréo, tạm biệt Tắc Sậy, đoàn hành hương lên xe quay trở về, hướng đến Trung tâm hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu. Buổi trưa, dừng chân tại Quãng Trân, Vĩnh Long (chắc là Quảng Trân, nhưng họ treo biển hiệu… dzậy đó!). Ăn cơm nhà hàng Trưng Vương 2. Nói là nhà hàng nhưng chỗ vệ sinh không vệ sinh chút nào!!!

6 giờ 30 thì đến Bãi Dâu, Vũng Tàu. Nhận phòng xong, tắm rửa, nghỉ ngơi, 7 giờ 30 ăn cơm tối. Cơm ngon như… cơm mẹ nấu! Quý sơ Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn thật khéo tay, vui vẻ, hòa đồng và mến khách, càng làm cho bữa ăn thêm ngon, đậm đà tình nghĩa.

5 giờ sáng hôm sau, đoàn hành hương tham dự Thánh lễ tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu. Đền Thánh xây dựng bên sườn Núi Lớn, lồng lộng gió biển. Sau lễ, đứng ngắm cảnh mặt trời từ từ nhô lên khỏi mặt biển thật tuyệt vời. Bên cạnh Đền Thánh là tượng đài Mẹ Thiên Chúa cao 32m. Đây là một công trình kỳ vĩ, khánh thành ngày 31.12.1994. Mẹ thật dịu hiền, nâng cao Chúa Hài Nhi như muốn giới thiệu và trao ban cho những ai tìm về với Mẹ.

Bên cạnh đó là 14 chặng Đường Thánh Giá trên một lộ trình quanh co theo sườn núi dẫn tới tượng Chúa Phục Sinh. Công trình 20 mầu nhiệm Mân Côi diễn tả sống động những mầu nhiệm, những biến cố cứu độ trong Tin Mừng và trong cuộc đời của Mẹ Maria được xây dựng trên con đường đẹp dẫn đến tượng đài Mẹ Thiên Chúa vinh quang.

Phía dưới chân núi còn có ngôi nhà thờ đá. Nơi đây lưu giữ xương thánh của 71 vị thánh Tử đạo Việt Nam. Các tín hữu luân phiên chầu Mình Thánh Chúa liên tục suốt ngày. Trước nhà thờ có tượng đài Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cao 3m.

Sáng hôm nay, đoàn hành hương được hướng dẫn tham quan Núi Chúa Tao Phùng. Đây là tượng đài Chúa Kitô Vua lớn nhất thế giới: chiều cao 32m, đôi tay giang rộng 18m40 đứng oai phong trên đỉnh núi cao 176m. Bên trong tượng đài có 133 bậc thang xoắn ốc dẫn lên đến tận phần vai, mở ra một cảnh quan bao la hùng vĩ đến chân trời xa tắp.

Công trình này bắt đầu xây dựng từ năm 1972, nhưng đến tháng 04.1975 thì phải tạm ngưng khi bức tượng mới vừa được hoàn thành cơ bản. Ngày 04.11.1992, công trình được tiếp tục trùng tu và khánh thành vào ngày 02.12.1994. Con đường từ dưới chân núi dẫn lên tượng đài có gần 1.000 bậc thang bằng đá. Ở đoạn cuối con đường, gần tượng đài có một bức tượng Pietà.

Cũng như tượng đài Mẹ Thiên Chúa tại Bãi Dâu, tượng đài Chúa Kitô Vua Núi Tao Phùng không những là biểu tượng cho đời sống đức tin hiên ngang, kiên vững và mạnh mẽ của Dân Chúa Giáo phận Bà Rịa, mà còn làm tăng thêm vẻ đẹp hấp dẫn cho thành phố du lịch Vũng Tàu.
 





 

Cuối ngày, đoàn hành hương được gia đình anh chị Cao Quý Ngữ, thành viên lớp Giuse - Lê Bảo Tịnh, mời đến thăm gia trang tại Bà Rịa và dùng cơm tối. Nói là cơm tối nhưng thực ra là dạ tiệc. Chủ nhà “phán”: ở đây bia rượu không thiếu, đặc sản không thiếu và tình cảm không thiếu. Đúng vậy, đủ loại bia, đủ loại rượu, đủ loại hải sản, đủ loại món ngon. Sau bữa ăn còn hát karaoke. Chủ và khách nắm tay nhau múa hát, tình cảm dạt dào. Lúc ra về vẫn còn lưu luyến mãi, chẳng muốn rời xa. Một buổi tối thật tuyệt vời.
 


Sáng ngày 26.7.2018, Quý sơ Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn cho đoàn hành hương điểm tâm sớm hơn thường lệ để kịp lên đường đi Bảo Thị tham dự Thánh lễ Tạ ơn Kim Khánh Linh Mục cha giáo Giuse Bùi Trung Phong (1968-2018).

Cha giáo Giuse đã gắn bó mật thiết với Chủng viện Phaolô Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột trên cương vị Quản lý và Giáo sư từ năm 1970 đến năm 1973. Chỉ một thời gian rất ngắn, nhưng ngài để lại cho các “chú tiểu” lúc bấy giờ biết bao ân tình sâu đậm, biết bao kỷ niệm thân thương, biết bao điều không thể phai mờ trong ký ức, biết bao điều không thể diễn đạt bằng lời. Dẫu qua bao năm xa cách mà hình ảnh “Hươu Nho Nhã” của Cha vẫn luôn hiện hữu sống động trong tim các học trò. Thật vui mừng, hôm nay, Thầy - Trò lại có dịp hội ngộ, cùng dâng Thánh lễ Tạ ơn Thiên Chúa, chúc mừng hồng phúc 50 năm Linh mục của Cha.

Trong đoàn hành hương, nhiều người không phải là học trò của Cha, mới biết Cha lần đầu tiên, nhưng cũng phải thốt lên: “Đúng là người Thầy khả kính!”.

Cuối Thánh lễ, chính Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, còn phải bước xuống, kính cẩn trao gửi và chúc mừng Cha giáo Giuse Bùi Trung Phong món quà yêu thương trần trụi như chính Chúa Giêsu trần trụi trên Thánh giá. Đức Cha thay mặt cộng đoàn dân Chúa, cảm ơn thời gian Cha đã phục vụ tại chủng viện cũng như tại giáo xứ bằng tâm tình kính phục, bằng tình yêu thương chung thủy của Chúa.
 






Trên chặng đường về lại Ban Mê Thuột, dường như thời gian quá ngắn, không đủ để mọi người trong đoàn hành hương giãi bày tâm sự với nhau. Trước lúc chia tay, dường như ai cũng muốn nắm chặt tay nhau thật lâu, nói với nhau lời thân ái phát xuất từ trái tim. Có lẽ đây là chuyến hành hương quá đẹp, quá tuyệt vời. Tạ ơn Chúa!!!

Vũ Đình Bình
 
Hình ảnh TẮC SẬY
Hình ảnh BÃI DÂU
Hình ảnh BẢO THỊ
Hình ảnh BÃI DÂU (tt)

Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Thời của mì tôm

Thời của mì tôm
VDB
Mì tôm (hay còn gọi mì ăn liền, mì cua, mì gói) là món mì khô chiên trước với dầu cọ, chỉ cần tưới nước sôi lên khoảng dăm ba phút là có thể ăn ngay.
Mì tôm bắt nguồn từ các loại mì ramen Nhật. Andō Momofuku, người thành lập Công ty Thực phẩm Nissin, được coi là “cha đẻ” của loại thực phẩm tiện dụng này.
Mì tôm du nhập vào Việt Nam từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Để đánh lừa thị giác của khách hàng, người ta vẽ hình con tôm thiệt to đặt lên tô mì bốc khói nghi ngút. Hãng sản xuất khác chơi trội hơn, khuyến mãi tới 2 con tôm. Có hãng đặt nguyên con ghẹ to đùng, đỏ au, trên mặt tô mì gọi là mì cua. Dường như cua không hợp với mì nên mì cua dần dần biến mất khỏi thị trường. Từ đó người ta quen gọi là mì tôm. Tôm hay cua chỉ là chiêu thức, chứ thực ra mì nào cũng giống nhau, chẳng có tôm, cua, thịt cá chi cả. Giới y học còn khuyến cáo, ăn nhiều sẽ có hại cho sức khỏe.
Ấy vậy mà thời bao cấp, mì tôm được liệt vào hàng quý hiếm, hàng xa xỉ phẩm, được phân phối theo tiêu chuẩn bồi dưỡng cho cán bộ công nhân viên nhà nước. Đến thời mở cửa, mì tôm trở thành một loại thức ăn phổ biến, thậm chí còn được xem là nét văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Sang thế kỷ 21, mì tôm có mặt ở khắp mọi nơi. Mì tôm góp phần nuôi sống sinh viên nghèo. Mì tôm cứu đói, cứu trợ đồng bào lũ lụt.
Đối với cánh truyền thông BMT, mì tôm còn có cả một giai thoại: Hôm thứ 7 Tuần Thánh, đang ngồi ăn sáng ở Giang Sơn, ĐGM hỏi thăm:
- “Sao, tối qua có ăn mì tôm không?”
- “Dạ, sáng nay con mới vào!”
Nhiều người thắc mắc: “mì tôm là sao?”. Chuyện là thế này:
Thứ 6 Tuần Thánh năm 2014, cả nhóm truyền thông rủ nhau vào Giang Sơn tham dự Nghi thức suy niệm Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu tại Đồi Thánh Giá. Tối hôm đó, Vinh Sơn mời cả nhóm về nhà (ở Kim Châu) nhưng chẳng có gì đãi khách, hắn chạy ra quán đầu ngõ, cao giọng:
- “Bán cho chục gói mì thịt xào!”
Chủ quán trợn mắt:
- “Hôm nay Thứ 6 Tuần Thánh, ăn chay, sao lại mua mì thịt xào?”
- “Vậy, mì chay cũng được.”
- “Mì chay hết từ chiều rồi, thông cảm nhé!”
Vinh Sơn chạy quanh khắp làng mới mua được mấy gói mì chay chính hiệu lá bồ đề. Vinh Sơn chế biến mì tôm ngon tuyệt, có cả mấy lát bầu luộc trang trí bên trên cho thêm phần thi vị. Tiến Địa hỏi:
- “Bầu ở đâu ngon thế?!”
- “Bầu hàng xóm leo lên bờ giậu nhà em. Em thẻo phần thò qua bên đất nhà mình. Tội vạ em chịu.”
Sau dạo ấy, câu chuyện mấy gói mì chay với nửa quả bầu vượt rào lan truyền khắp Giáo phận. Nhờ thế, cánh truyền thông đi đến đâu cũng được chăm sóc chu đáo. Cứ tưởng đã đoạn tuyệt hẳn với mì tôm, nào ngờ…
Hôm lễ vọng phục sinh mới đây, cánh truyền thông “tác nghiệp” xong, Vinh Sơn lại mời cả nhóm về nhà (ở BMT) mừng lễ. Lúc này đã là nửa đêm, gọi cửa mãi chẳng thấy động tĩnh gì. Hóa ra, lúc chiều, vợ Sơn gọi điện báo: “tối nay em về nhà mừng lễ đấy nhé!”. Ý vợ Sơn là sẽ về nhà ở Kim Châu mừng lễ. Sơn lại nghe nhầm: “tối nay mời anh em về nhà mừng lễ đấy nhé!” (nhà ở BMT). Giá chỉ có một nhà thì đâu bị nhầm tai hại thế này. May là Sơn có chìa khóa riêng, mở cửa mời anh em vào nhà. Nhà chẳng có gì ăn, ngoài mấy gói mì tôm, chẳng có quả bầu vượt rào cho thêm phần thi vị. Ấy vậy mà qua tay Vinh Sơn chế biến, mấy gói mì tôm đã trở thành bàn tiệc mừng lễ độc đáo.
Mọi người nâng cốc mừng Chúa Phục Sinh, mừng anh em được sum vầy bên nhau, mừng sự phát triển của đất nước. Mừng vì đã qua rồi cái thời đói khổ, cơm độn toàn củ mì khô hôi xì cũng chẳng có mà ăn. Bởi, bây giờ là thời đại của mì tôm, quơ đâu cũng trúng mì tôm. Mì tôm muôn năm!!!
VDB

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Cuối năm nói Chuyện Già

Ngày xưa, khi gã còn trẻ, ai nói đúng sai gì, gã cũng tìm cách phản bác. Bây giờ già rồi, kinh nghiệm đầy mình, nhìn thấy cuộc đời muôn mặt, gã trở nên dễ dãi hơn, ai nói gì cũng… gật, ai nói gì cũng thấy có lý... 

Gã nói: “Ấy là dấu hiệu đã về già”.

Rồi gã lại lẩn thẩn suy nghĩ: “Bao nhiêu tuổi mới gọi là già nhỉ?”

Hồi gã mới 14,15 tuổi, thấy các chị hàng xóm 18, đôi mươi, gã cứ nghĩ là những bà cô thuộc loại già khú đế! Bây giờ, gần 60 tuổi, nhìn các bà 50 tuổi gã lại cho là trẻ, nhìn các mẹ bốn chục, gã cho là con nít ranh! Thế thì, bao nhiêu tuổi mới gọi là già?!!!

Ở xóm trên có bà cụ tuổi 90, chiều qua, than vãn với gã: “Giờ tôi còn khỏe, mai mốt già rồi chẳng biết nương dựa vào ai!”

90 tuổi mà còn nói: “…mai mốt già rồi…”. Thế thì, bao nhiêu tuổi mới gọi là già?!!!

Mỗi sáng đứng trước gương, thấy trán mình cao hơn, đừng tưởng mình sắp trở thành người thông thái, mà phải biết đó là chứng rụng tóc, đó là dấu hiệu của tuổi già… Nếu mình thấy thiên hạ dường như trẻ lại, thì chính là mình đang già đi.

Những lúc khề khà bên chén rượu với mấy ông bạn đồng liêu, gã nói: Khi về già thì tai điếc đặc, nghe nhạc cứ như “đàn gảy tai trâu”. Nhưng có cái lợi là ai chê bai, trách móc, thậm chí chửi bới, mình cũng chẳng nghe. Họ nói, họ nghe.

Khi về già, mắt kém, đọc sách báo một lúc, chữ cứ nhòe đi, nghĩ cũng bực nhưng lại có thời gian đi tản bộ quanh làng ngắm cảnh thiên nhiên.

Khi về già, đầu óc không còn minh mẫn nữa, nói trước, quên sau. Cũng hay, bởi nhiều thứ đang cần vứt bỏ bớt đi cho tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng, giữ lại cũng chẳng sinh ích lợi gì mà khiến mình cứ phải suy nghĩ vẩn vơ.

Khi về già, chân tay trở nên lóng cóng, ăn uống không được gọn gàng, thức ăn rơi vãi ra ngoài, dính cả lên râu, lên mép. Gã nhớ đến câu chuyện đứa bé đẽo máng gỗ để dành cho cha mẹ lúc về già có cái mà dùng, thật là chí lý.

Khi về già, ăn uống thứ gì cũng phải kiêng khem. Kiêng mặn, kiêng ngọt, kiêng chất béo, kiêng thuốc lá, kiêng rượu,...

Riêng gã, kiêng gì cũng được, nhất định không kiêng rượu. Đi khám bệnh, cố nèo cho được thang thuốc bắc về ngâm rượu. Bữa cơm nào cũng phải có tí rượu. Chán rượu, có nghĩa là sức khỏe có vấn đề.

Gã quan niệm, kiêng cũng chết mà không kiêng cũng chết. Chết là quy luật của tạo hóa. Chết là một phần tất yếu của cuộc sống, nếu như không muốn nói đó là một kinh nghiệm kỳ thú mà mỗi chúng ta chỉ được trải nghiệm một lần duy nhất trên đời...       

Ai rồi cũng sẽ chết, kẻ chết già người chết trẻ. Người già chết, chúng ta mừng cho họ vì họ thoát khỏi hệ lụy trần gian, không còn là gánh nặng cho con cháu. Người trẻ chết, chúng ta cũng mừng cho họ vì họ không còn phải bận tâm công ăn việc làm, cơm áo gạo tiền, khỏi lo nhà cửa, khỏi lo yêu thương, giận hờn, ghen ghét, khỏi lo…

Khi về già, sức khỏe là vốn quý. Nhưng nếu không hề đau ốm, thì cũng rất nhàm chán, không cảm nhận hết được cái vốn quý ấy. Theo kinh nghiệm của gã, thỉnh thoảng nên ốm một trận. Nhẹ thì chỉ cần bảo vợ con cho ăn bánh đúc mắm tôm, đấm lưng, cạo gió, nấu nồi nước xông. Xông xong rồi lau người cho khô, lên giường ngủ một giấc. Sáng mai thức dậy thấy đời tươi phơi phới!!! Nếu bệnh nặng, phải đi nằm bệnh viện thì chớ vội nản lòng. Ngoài vợ con cháu chắt chạy ra chạy vào chăm sóc, thể nào cũng có một vài ông bạn cố tri tìm đến an ủi, thăm nom. Thế chẳng phải là hạnh phúc lắm ru?!

Nói thế thôi, khỏe mạnh thì vẫn hơn. Sáng sáng, ra đường đi bộ cho giãn gân cốt, hít thở khí trời trong lành, mà suy ngẫm về cuộc đời đã cho mình nhiều may mắn, mà tạ ơn Trời Đất. Có một hôm, vô tình, không hẹn mà gặp, gã đi bộ cùng với bà hàng xóm. Chẳng biết bà nghĩ gì, nhưng gã thấy bà vui, gã cũng vui. Bà kể chuyện huyên thuyên, đủ mọi thứ trên đời, chẳng đâu vào đâu. Lúc chia tay, gã cảm thấy có một chút lưu luyến, bà ấy cũng vậy. Gã cảm thấy yêu đời hơn.

Gã cảm thấy yêu đời hơn, thế nên, gã đi nhuộm tóc. Tối hôm sau, gã rủ vợ đi ăn cơm tiệm. Chưa kịp yên vị, bà chủ tiệm hỏi: “Hai chị em dùng gì?”. Gã bực lắm. Hồi trẻ, chắc chắn sẽ to chuyện. Bây giờ già rồi, lão tự nhủ: “Một câu nhịn, chín câu lành”.

Già rồi, nhịn riết cũng quen. Nhiều người già tự đặt cho mình một quy luật để sống, răm rắp tuân theo, sáng trưa chiều tối… Gã nghĩ, thế cũng tốt nhưng khắt khe với bản thân mình quá thì cũng không nên. Không nên để tâm bực bội những chuyện vu vơ. Không nên tranh luận chuyện thiên hạ làm chi để hao mòn sinh lực, tổn hại tình thân hữu. Đánh cờ cũng vậy, đánh cờ là để giải trí, không nhất thiết phải thắng, thắng chưa chắc đã lợi, thua không hẳn là thiệt.

Già rồi, khi bị chê bai, gã cười, không buồn, không oán trách. 

Già rồi, nghe thiên hạ khoe khoang, gã cứ giả vờ tin như thật. Gã chẳng mất gì mà làm cho thiên hạ sướng, lên tận mây xanh.

Già rồi, còn làm được gì giúp ích cho đời, cho gia đình, cho bản thân mình thì cố gắng mà làm. Đừng nuôi mộng ước cao xa để rồi đến chết vẫn không thực hiện nổi. Hôm trước gã đi thăm ông nhà văn sắp chết vì ung thư. Nằm thoi thóp trên giường bệnh mà cứ thở vắn than dài do tác phẩm để đời, ấp ủ bấy lâu nay, vẫn chưa viết được chữ nào!

Già rồi, thỉnh thoảng gặp gỡ bạn bè, lếu láo vài ba chung rượu, ôn lại buồn vui sự đời, đó là hạnh phúc. Già rồi, còn gặp nhau được ngày nào biết ngày đó, nên phải trân trọng, yêu quý.

Già rồi, ai nói đúng sai gì, kệ họ. Cuộc đời muôn mặt, nên ai nói gì cũng có cái lý của riêng họ. Gã chỉ biết lắng nghe và cảm nhận.

Hôm nay, ngày cuối năm 2015, gã cầu chúc mọi người “già” thêm một tí, “lẩn thẩn” thêm một tí, “dở hơi” thêm một tí để tuổi già vui thêm một tí, để cuộc đời tươi thêm một tí và để thiên hạ “sướng” thêm một tí, “sướng” lên tận trời cao, ấy chứ lỵ!!!

VDB

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

VIDEO: THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC - GP.BMT ngày 25.9.2014




Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014


THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC – GIÁO PHẬN BANMÊTHUỘT – Ngày 25.9.2014

Nhìn lại lịch sử…

Ngày 22/6/1967, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã chính thức thiết lập Giáo phận Ban Mê Thuột, gồm có 55 linh mục và 56.719 giáo dân. Ngay từ những ngày đầu, Đức Giám mục tiên khởi Phêrô Nguyễn Huy Mai đã rất mực chú trọng đến việc đào tạo các linh mục. Ngày 25/03/1968, Ngài trao bài sai thành lập Chủng viện cho Cha Giám đốc Augustinô Nguyễn Văn Tra. Ngày 08/09/1968, Chủng viện Lê Bảo Tịnh khai giảng khoá đầu tiên gồm 60 chủng sinh. Cho tới năm 1975, số chủng sinh đã lên tới hơn 200 người.

Sau biến cố 75, Chủng viện Lê Bảo Tịnh bị giải tán hoàn toàn, đó là ngày 29/6/1983. Tuy nhiên, các Đức Giám mục kế vị vẫn nuôi hy vọng, âm thầm duy trì chương trình đào tạo hàng giáo sĩ. Và niềm vui đã đến vào ngày lễ kính Thánh Phanxicô Xaviê 3/12/1993, bốn đại chủng sinh đầu tiên của Chủng viện Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột đã được thụ phong linh mục tại nhà thờ Chính Tòa Ban Mê Thuột, qua sự “đặt tay” của Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực. Niềm vui ấy được nhân lên khi cùng năm đó, ở hải ngoại có thêm 3 đại chủng sinh Lê Bảo Tịnh cũng được lãnh nhận thánh chức. Từ đó đến nay, lần lượt các chủng sinh đã tuần tự bước lên bàn thánh, nâng tổng số linh mục của Chủng viện Lê Bảo Tịnh (thuộc các lớp trước 1975) lên 35 vị.

Trong dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Chủng viện Lê Bảo Tịnh, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận công bố: “Chủng viện Lê Bảo Tịnh không chấm dứt từ năm 1983 nhưng vẫn còn tiếp tục đào tạo các lớp đàn em…” Và hoa trái đã nở rộ…

Mùa bội thu…

Vào lúc 8g00 ngày 25.9.2014, tại lễ đài trong khuôn viên nhà thờ Chính tòa Banmêthuột, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận đã truyền chức Linh mục cho 19 Thầy Phó tế. Đây là lần thứ hai Giáo phận Banmêthuột được mùa linh mục. Lần thứ nhất, vào ngày 26/7/2005, Đức Cha Giuse Nguyễn Tích Đức đã phong chức cho 19 tân linh mục…

Thánh lễ truyền chức Linh mục hôm nay do Đức Giám mục Giáo phận chủ tế, đồng tế với ngài, có Cha Stêphanô Nguyễn Văn Đậu - Tổng Đại diện; Đức Ông Đaminh Hà Duy Khâm; Quý Cha trong Ban Giám đốc Đại Chủng viện Sao Biển – Nha Trang; Đại Chủng viện Giuse Saigon; Đại Chủng viện Thánh Giá ở Rôma; Quý Cha trong và ngoài giáo phận. Cộng đoàn hiện diện tham dự rất đông, gồm Quý tu sĩ nam, nữ, Quý ông bà cố, gia đình, thân nhân, ân nhân, bạn hữu... của các tân chức và cộng đoàn dân Chúa.

Sau phần công bố Tin Mừng, Linh mục chưởng ấn FX. Nguyễn Kim Long đã xướng danh 19 tiến chức xin được nhận lãnh chức linh mục, các tiến chức lần lượt tiến lên lễ đài. Cha Tổng Đại Diện nói lời thỉnh cầu và Đức Giám mục tuyên bố đồng thuận... Cả cộng đoàn tạ ơn Thiên Chúa và vỗ tay nồng nhiệt, hòa với tiếng kèn hùng tráng, vang dội.

Trong bài huấn từ, Đức cha Vinh Sơn chia sẻ về lời Chúa Giêsu khuyên các môn đệ sau khi bà mẹ của hai ông Giacôbê và Gioan xin cho con của mình, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả khi Chúa Giêsu bước vào trong vinh quang. Điều kiện của Chúa Giêsu là uống chén đắng của Ngài và phục vụ anh em trong tinh thần yêu thương và khiêm tốn. (Mời nghe bài giảng)

Trước khi chủ sự nghi thức truyền chức linh mục, Đức cha Vinh Sơn ban huấn từ cho các tiến chức. Ngài nhấn mạnh: “Giáo phận Banmêthuột là vùng đất truyền giáo, vùng đất của anh chị em sắc tộc, vùng đất hứa của những người di dân từ khắp nơi đổ về, vì thế, cuộc sống đơn giản và tinh thần biết chia sẻ sẽ giúp chúng con sống cuộc đời mục tử một cách thanh thoát và có ý nghĩa hơn”.  (Mời nghe Bài huấn từ)

Sau phần thẩm vấn, các ứng viên tuyên hứa trước Đức Giám mục và cộng đoàn dân Chúa. Các tiến chức phủ phục trước trên cung thánh, cộng đoàn hát Kinh cầu Các Thánh cầu nguyện cho các tiến chức. Sau Kinh cầu Các Thánh và lời nguyện phong chức, Đức Cha Vinh Sơn đặt tay trên từng tiến chức, trao ban tác vụ linh mục. Lần lượt, tất cả các linh mục hiện diện đặt tay trên từng tiến chức nói lên sự hiệp thông đón nhận các anh em vào linh mục đoàn.

Sau khi Đức Cha Vinh Sơn làm phép lễ phục, 19 tân chức được chính Bà cố trao cho lễ phục linh mục; các Cha nghĩa phụ chia sẻ niềm vui qua việc mặc lễ phục linh mục cho các tân chức. Đây là cử chỉ thể hiện tình cảm dành cho những người con yêu thương của mình, hôm nay đã được Thiên Chúa tuyển chọn.

Đức Giám mục xức dầu thánh hiến, trao chén thánh và đĩa thánh cho các tân chức. Nghi thức truyền chức kết thúc sau lời chúc bình an của Đức Giám mục Giáo phận, Đức Ông Đa Minh và Quý linh mục đại diện linh mục đoàn.

Thánh lễ tiếp nối qua phần phụng vụ Thánh Thể. Sau lời nguyện hiệp lễ, các tân chức nói lên tâm tình tri ân Đức cố Giám mục Phêrô Nguyễn Huy Mai, hai Đức cố Giám mục Giuse, Đức cha Vinh Sơn, Đức Ông, Quý Cha, Quý tu sĩ nam nữ, Cha Mẹ, Quý vị ân nhân xa gần, Quý khách và cộng đoàn dân Chúa. (Mời nghe Lời cảm tạ)

Sau Thánh lễ, Tân linh mục chụp hình lưu niệm với Đức Giám mục và gia đình thân tộc.

Xin Chúa thêm ơn trợ sức cho các tân chức để các ngài đủ sức đương đầu với những cám dỗ, vì sự bất toàn, yếu đuối do thân phận con người, để mãi mãi tín trung với ơn gọi của Chúa, vững bước trên con đường Hiến Tế vì phần rỗi các linh hồn, sống xứng đáng là chứng nhân Chúa Kitô trong suốt hành trình nơi dương thế.




Vũ Đình Bình

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

ĐƯA VỢ ĐI ĐẺ



ĐƯA VỢ ĐI ĐẺ

Sinh 6 đứa trước, gã không hề đụng chân tay. Nhưng đến đứa thứ 7 thì đích thân gã phải đưa vợ đi đẻ. Hơn 50 tuổi, giờ gã mới thấy thấm mùi đời. Gã tự trách mình kém cỏi, không biết “kế hoạch” để ôm lấy cái khổ!
Lần đầu tiên bước chân vào khoa sản, gã cũng cảm thấy ái ngại.
- Thưa cô! Tôi xin làm thủ tục nhập viện cho vợ.
Cô y tá xinh đẹp mặc áo blu trắng nhìn gã như để lượng giá:
- Anh chờ một lát.
- Nhưng vợ tôi vỡ ối đã gần 2 tiếng, sắp sanh rồi.
- Đành vậy, ca này cần mổ gấp. Anh cứ bảo cô ấy chờ.
- !!!???...

Thế rồi cũng đến lúc cô ấy được đưa vào phòng sanh, lên bàn đẻ. Gã ở bên ngoài đi đi lại lại, căng thẳng, chờ đợi.
Lát sau, một cô y tá tướng đẫy đà vội vã chạy vào, đóng cửa phòng cái rầm. Gã lo lắng, hai tay đan vào nhau thừa thãi.
Rồi lại một cô y tá ốm nhom chạy vào.
Cô y tá tướng đẫy đà mở cửa chạy ra.
Chạy vào.
Chạy ra.
Lại chạy vào.
Gã hoa mắt, như người mộng du…

Thời gian kéo dài tưởng như vô tận. Lát sau, cô y tá xinh đẹp đưa cho gã tờ giấy bảo đi đóng viện phí. Gã chạy đi thật nhanh rồi trở về ngay, đưa tờ biên nhận cho cô y tá xinh đẹp. Gã hỏi:
- Vợ tôi sao rồi cô?
- Vợ anh thì không sao, còn thằng cu lì lợm giống như cha nó, hổng chịu ra.
Gã biết mình bị chửi xéo, tức lắm nhưng cam chịu.
- Vậy giờ phải làm sao cô?
- Anh ra ngoài kia mua bịch kẹo… dụ nó ra.
Một bà sồn sồn đứng gần đó khều gã nói nhỏ:
- Cổ đòi “bì thư” đó!
- Trời đất! Muốn gì thì nói thẳng luôn đi, vòng vo tam quốc ai mà hiểu.
- Bộ… anh mới đưa vợ đi đẻ lần đầu hả. Ở đây ai cũng… dzị hết hà…
- Thường thì bao nhiêu vậy, chị?
- 2T! Nhìn tướng tá sang trọng như anh thì 5T.
Nghe tới đây đầu óc gã lùng bùng, hình ảnh cô y tá xinh đẹp cứ như đang nhảy múa trước mặt. Gã lại tự trách mình, đã nghèo mà lúc nào cũng đi giầy da, áo bỏ thùng, đầu tóc láng o, để rồi bị nhìn lầm, tưởng… đại gia, mà là đại gia lì lợm mới chết chứ!
Giận mình rồi gã giận lây sang con. Đến ngày, đến giờ thì chui mẹ nó ra cho được việc, sướng ích gì mà cứ ở mãi trong ấy để họ lôi cả bố mày ra mà chửi. Gã ức lắm. Gã nhủ thầm: mày ra đây, bố mày sẽ cho một trận.
Vừa lúc ấy, cô y tá đẫy đà chạy ra kêu gã vào nhận con.
- Chúc mừng anh, con trai, ba ký lô hai.
Gã đưa hai tay lóng ngóng đón lấy cái sinh linh bé bỏng, nhăn nhúm, đỏ hỏn. Gã quên hẳn mọi thứ hờn giận trên đời, một cảm xúc mênh mông, lạ lẫm vỡ oà trong lòng gã. Gã cười, hai giọt nước chảy ra trong khoé mắt. 
Vũ Đình Bình