Chuỗi Mân Côi vĩ đại ở Bùi Chu
Nói như bác Điệp: “…đã định thì bắt tay vào làm ngay, chứ thời gian chẳng chờ đợi ai”. Thật vậy, từ đầu tháng Mân Côi dự tính viết thật nhiều về Chuỗi Mân Côi, về Mẹ nhưng nhiều công việc không tên khác lấn lướt mất thời gian. Cuối tháng nhìn lại thấy mình thật có lỗi…
Trong chuyến du xuân 2011, chúng tôi ghé thăm Tòa Giám mục Bùi Chu. Ngay từ phía ngoài cổng Tòa giám mục, có rất nhiều khách hành hương ra vào tấp nập. Có một Đoàn nhận ra chúng tôi vui mừng chạy đến hỏi thăm, chuyện trò ríu rít; đó là Đoàn hành hương thuộc Giáo xứ Chi Lăng – BMT. Những người đồng hương BMT vô tình gặp nhau nơi xứ lạ, tự dưng dành cho nhau một thứ tình cảm thân thương rất “người”!
Nếu như ở các Tòa giám mục khác thường “kín cổng cao tường”, thì cổng Tòa giám mục Bùi Chu lại luôn rộng mở đón tiếp khách hành hương cũng như khách du lịch khắp nơi. Có thể nói, đây chính là “mô hình du lịch tâm linh” mà hôm trước Đức cha Giuse Nguyễn Năng có đề cập tới trong một buổi nói chuyện.
Đến Tòa giám mục Bùi Chu, tất cả các Đoàn đều được tiếp đón ân cần và có người hướng dẫn tận tình, chu đáo. Riêng Đoàn chúng tôi được gặp gỡ, nói chuyện thân mật với Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm và đích thân ngài đưa chúng tôi đi thăm những công trình kỳ thú của Tòa giám mục Bùi Chu.
Đầu tiên, ngài dẫn chúng tôi xuống tầng hầm, ngay tại gian giữa chúng tôi nhìn thấy tượng Đức Mẹ bế Đức Chúa Giêsu mặc y phục áo dài Việt Nam ngồi trên võng tía được mắc vào hai cây trúc xinh, sơn son thiếp vàng. Gian bên kia rộng hơn gọi là Nhà hầm Các Thánh Tử Đạo, gồm 33 Thánh Quan Tử Đạo Bùi Chu; trong đó có 6 vị Thánh Giám mục ngoại quốc, 9 Thánh Linh mục, 2 Thánh Thầy giảng, 16 Thánh giáo dân và Thánh Quan Lê Thị Thành thuộc Giáo phận Thanh Hóa. Cũng tại nơi đây, có bàn thờ đặt xương thánh để khách hành hương chiêm ngắm và hôn kính.
Lên khỏi tầng hầm, Đức cha đưa chúng tôi đến Vườn Kinh Ave Maria 1. Ngay giữa vườn là đền thờ Đức Mẹ, trước bàn thờ có cỗ tràng hạt rất lớn, mỗi hạt kinh nặng 25kg. Trên cao có tượng Đức Mẹ bằng đá cẩm thạch nặng hơn 2 tấn. Chính nơi đây Đức Mẹ đã làm phép lạ cho một phụ nữ bệnh tâm thần được khỏi. Phía bên phải Vườn Kinh có một bức tường cao gắn 150 bản kinh Ave Maria bằng các thứ tiếng trên thế giới, kích thước mỗi bản kinh là 2,20m x 1,2m bằng đá cẩm thạch.
Trong Vườn Ave Maria còn có một số tượng lớn như tượng Thánh Phanxico với con chó sói. Truyện kể rằng: Vào thời của Thánh Nhân, tại miền Assisi nước Ý, có con chó sói chuyên đi cắn phá nhiều người. Người ta xin Thánh nhân giúp đỡ. Ngài gọi nó đến, lấy Lời Chúa mà dạy nó: “Phải hiền lành như chim bồ câu” (Mt 10,16). Từ đó, nó vào rừng và không cắn ai nữa.
Ở phía giữa hành lang có pho tượng Đức Mẹ cao 5m với những em nhỏ đang dâng hoa. Cuối hành lang có tượng Thánh Don Bosco và Thánh Savio,…
Đặc biệt, bên phải Vườn Ave Maria có chiếc kèn Trumpet dài 5,20m, lớn nhất Đông Dương. Tôi thử dùng hết sức để thổi cũng chỉ tạo nên một tiếng kêu “phò… phò…” như bò rống! Đối diện phía bên kia là chiếc đàn Lira (hay còn gọi là đàn vua Đavit) được đặt trên mặt trống đồng đường kính 1,80m.
Ngoài ra, trong vườn còn bộ cồng chiêng lớn nhất Đông Dương, nặng chừng 300kg. Đặc biệt là chiếc chuông nặng 9 tạ, độc đáo nhất thế giới, mang hình người phụ nữ; đó là Nữ Nhân Chung.
Sang Vườn Ave Maria 2, Đức cha Giuse giới thiệu cho chúng tôi thấy chiếc đỉnh hương bằng đồng nặng 3.500kg, có tượng Đức Mẹ La Vang đứng trên. Ở đây cũng có 75 bản kinh Kính Mừng như bên Vườn Ave Maria 1, có bản kinh tiếng Việt năm 1865 rất hay. Các bức tượng khác được đặt trong Vườn này là Tượng Thánh Gia, Tượng Đức Mẹ bế Chúa Giêsu lúc 6 tháng tuổi, tượng gia đình,…
Đức cha còn đưa chúng tôi đến Nhà Số 4, nơi gọi là Phục Sinh Đường, đến Đền Xét Xử, Tháp Thăng Thiên, đến cả Nhà Thiên Thần nữa… Biết bao là công trình kỳ thú. Nhưng ấn tượng nhất, đẹp nhất và được nhiều người yêu mến nhất vẫn là Chuỗi Mân Côi vĩ đại và những bản kinh Ave Maria bằng nhiều thứ tiếng trên Thế giới. Ở đây người ta có cảm tưởng như đang tham dự một buổi đại hoà nhạc bằng kinh Kính Mừng du dương dâng kính Mẹ Maria. Mỗi nhạc khí là một ngôn ngữ khác nhau trên thế giới của mọi dân tộc: Việt Nam, Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Pêru, Do Thái v.v… Tất cả đều đồng thanh cất lên lời ca khen Mẹ Maria bằng ngôn ngữ riêng của dân tộc mình. Một bản hòa nhạc thật độc đáo!
Khi xây dựng Vườn Ave Maria dâng kính Mẹ Maria, có lẽ Tòa Giám mục Giáo phận Bùi Chu có ý nhắc nhở, khích lệ mọi người hãy năng lần hạt Mân Côi.
“Hãy năng lần hạt Mân Côi!” chính là lời hiệu triệu của Đức Mẹ khi hiện ra ở Fatima qua ba em nhỏ là Lucia, Phanxicô và Jacinta.
Kinh Mân Côi là bản tóm lược cuộc đời Chúa Cứu Thế, được cấu tạo bằng kinh Lạy Cha kinh Kính Mừng và Sáng Danh, là những lời kinh linh thánh nhất và đáng tôn trọng nhất.
Trọng tâm kinh Mân Côi là mời gọi chúng ta chiêm ngắm các mầu nhiệm của Chúa Giêsu và Mẹ Maria từ khi thiên thần Gabriel truyền tin Ngôi Hai nhập thể làm người trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria cho tới khi Chúa hoàn tất công cuộc cứu chuộc nhân loại, về trời, rồi Chúa Thánh Thần hiện xuống khai sinh Hội Thánh, và trao Hội Thánh sứ vụ loan báo Tin Mừng cho muôn dân.
Tháng Mân Côi cũng đã qua, nhưng Vườn kinh Ave Maria vẫn còn đó, Chuỗi kinh Mân Côi vĩ đại vẫn còn đó như một lời nhắn nhủ mỗi người chúng ta “Hãy năng lần hạt Mân Côi!” mỗi ngày, hòa cùng Thế giới trong lời kinh Kính Mừng du dương êm ái dâng lên Mẹ: Ave Maria.